0908 904 934

Năm 2021 phải thông xe tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm 654 km đường cao tốc Bắc – Nam

Sáng 21-2, tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020” với sự tham gia của các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố liên quan.

Đầu tư trên 118.000 tỉ đồng

Tuyến cao tốc này là dự án (DA) trọng điểm quốc gia, thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội. Trước mắt, sẽ đầu tư 11 DA cho tuyến này, gồm: 3 DA đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và 8 DA theo hình thức đối tác công – tư. Tổng chiều dài của 11 DA là 654 km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng, đi qua 13 địa phương, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã hoàn thành việc phê duyệt 11 DA trên. Đầu quý II sẽ khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao việc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới. Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi các địa phương về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý DA làm việc với các địa phương. Các địa phương đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng cho 10/11 DA.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, đây là dự án trọng điểm quốc gia, trong đó công tác giải phóng mặt bằng hết sức quan trọng. Nếu làm tốt thì nhà thầu, nhà đầu tư sẽ sớm triển khai thi công. Bộ GTVT sẽ cấp cho địa phương những cột mốc chính xác nhất để tránh làm đi làm lại hay nảy sinh khiếu nại. Ngân sách dự kiến hơn 14.000 tỉ đồng để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Phấn đấu cuối năm nay sẽ giải phóng mặt bằng được 50% khối lượng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Khánh Hòa khảo sát thực địa

Ba nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là tuyến huyết mạch cực kỳ quan trọng. DA này nếu thực hiện tốt thì chính là cụ thể hóa khát vọng của đất nước, của toàn dân trong công cuộc đổi mới.

Phó Thủ tướng nói phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, vào năm 2020 cơ bản hoàn thành và năm 2021 phải thông xe. Muốn vậy, năm 2019 phải khởi công được một số đoạn, tuyến. Trong giai đoạn này, các bộ – ngành liên quan tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.

Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần tuyên truyền cho dân hiểu đây là dự án trọng điểm, rất quan trọng cho quốc gia và lợi ích nhân dân; phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc; giải quyết các kiến nghị, khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; sẵn sàng các phương án bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng cho quá trình thi công…

Ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết vấn đề khó nhất là xây dựng khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ thì cần có cơ chế đặc biệt như: Chỉ định thầu, rút ngắn thủ tục khai thác các mỏ đất, có chính sách riêng phục vụ dự án… Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đề xuất thành lập những tổ công tác đặc biệt để giải thích cho các hộ dân, họp giải quyết khó khăn cũng như có các chính sách như thưởng, bảo vệ nhà thầu thi công… thì mới hoàn thành kịp tiến độ.

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành khác thì đề nghị Bộ GTVT cắm mốc trước ngày 31-3 và sớm bố trí kinh phí để xây dựng khu tái định cư…